Văn học Thượng Hải không chỉ ghi lại sự phát triển của thành phố mà còn khám phá xung đột giữa truyền thống và hiện đại, đạo đức cùng áp lực xã hội. Những vấn đề này được bàn luận trong tọa đàm quốc tế Đối thoại về tương lai của văn học – Tiếng nói từ Thượng Hải, diễn ra ngày 7/6 tại TP HCM.
Một nền văn học đa dạng và phong phú
Theo bà Zhong Hong Ming, tổng biên tập tạp chí Thu hoạch, văn học Thượng Hải mang một dấu ấn rất riêng của đô thị mở, đa tầng và không ngừng chuyển động. Bối cảnh lịch sử xã hội đặc thù đã tạo nên tính chất phức hợp của văn học Thượng Hải, nơi gặp nhau của người nhập cư, di dân, người nước ngoài và dân bản địa.

Các diễn giả tại sự kiện ở Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP HCM.
Thượng Hải là nơi hội tụ của nhiều nền văn hóa, tạo nên sự đa nguyên trong tư tưởng, phong cách và cấu trúc kể chuyện của các nhà văn. Do vậy, nền văn học hiện đại Thượng Hải định hình bởi tính “mở”, tại một đô thị cảng sớm giao lưu quốc tế, kết hợp giữa truyền thống và cách tân, chấp nhận đa dạng ngôn ngữ văn chương.
Nhiều tên tuổi nổi bật trong lịch sử văn học Trung Quốc gắn liền với Thượng Hải, như Lỗ Tấn, Trương Ái Linh, Ba Kim, Mao Thuẫn. Ba Kim được xem là cây đại thụ của văn học hiện đại Trung Quốc, biểu tượng tinh thần của nền văn học Thượng Hải suốt thế kỷ 20.

Nhà văn Ba Kim
Ba Kim đặt nền tảng đạo đức cho nghề viết và xây dựng “văn học có lương tri”. Tạp chí Thu hoạch do ông sáng lập năm 1957 vẫn được coi là hàng đầu của Trung Quốc, nơi phát hiện và nâng đỡ nhiều tài năng trẻ.
Sự phát triển của văn học trẻ
Văn học Thượng Hải luôn thử nghiệm và thích ứng qua các thời kỳ. Các thế hệ nhà văn đa phong cách trong lối viết, từ nghiêm túc, dí dỏm đến đấu tranh xã hội, định vị được tiếng nói riêng biệt của cá nhân nhưng vẫn hướng đến các vấn đề lớn của lịch sử và xã hội.
Hai mạch sáng tác nổi bật trong văn học trẻ Trung Quốc hiện nay là đối thoại bản thân – xã hội – lịch sử và kết hợp công nghệ, viễn tưởng, đạo đức học. Các nhà văn gen Z ngày càng mạnh dạn thử nghiệm giọng điệu phi tuyến tính, kết hợp khoa học, trí tuệ nhân tạo để đưa ra những viễn cảnh xã hội vừa kỳ ảo, vừa chất vấn và đề cao nhân tính.
Thượng Hải tạo không gian cho sáng tác trẻ thông qua các tạp chí văn chương hàng đầu như Thu hoạch và Tư Nam văn học. Việc phổ biến văn chương trên Internet rất được coi trọng, với trang mạng xã hội của các tạp chí văn học và Hội Nhà văn Thượng Hải thu hút đông đảo độc giả.
Chiến lược phát triển văn học
Chiến lược phát triển văn học trẻ tại Thượng Hải gắn liền với chính sách văn hóa, xuất bản và truyền thông số. Văn chương được nhìn nhận là công cụ giao tiếp vùng miền và thời đại. Sự hỗ trợ thiết thực từ chương trình quốc tế và hệ thống tạp chí văn chương tạo nền tảng để cây viết trẻ trưởng thành.
Tọa đàm quốc tế Đối thoại về tương lai của văn học – Tiếng nói từ Thượng Hải có sự tham gia của Zhong Hong Ming, Lai Yingyan, Bi Sheng, phó giáo sư, tiến sĩ Đoàn Lê Giang, tiến sĩ Hồ Khánh Vân, Phan Thu Vân, nhà thơ Phan Hoàng, nhà văn Nguyễn Khắc Ngân Vi.